Để quyết định một chiếc smartphone có hoạt động mượt mà hay không thì vai trò chủ yếu là nhờ vào bộ xử lý trung tâm hay còn gọi là CPU. Vậy CPU điện thoại là gì? Hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu về bộ phận được xem là cơ quan đầu não của một thiết bị smartphone nhé.
Đầu tiên hãy cùng mình lướt qua một vài khái niệm về CPU nhé
CPU viết tắt của chữ Central Processing Unit, tạm dịch là bộ xử lý trung tâm, là các mạch điện tử, thực hiện các câu lệnh của chương trình bằng cách thực hiện các phép tính số học, logic, so sánh và các hoạt động nhập/xuất dữ liệu (I/O) cơ bản do mã lệnh chỉ ra.
Có thể hiểu đơn giản hơn thì CPU chính là bộ não của chiếc máy, điều khiển tất cả các hoạt động của điện thoại và cả quyết định tốc độ làm việc của thiết bị. Đây có thể xem là một phần quan trọng không thể thiếu trên bất kỳ thiết bị smartphone hay laptop nào.
Thuật ngữ CPU này đã bắt đầu được sử dụng trong ngành công nghiệp máy tính kể từ đầu những năm 1960. Tất cả các dòng điện thoại và máy tính hiện nay đều đang trang bị nhiều loại bộ xử lý khác nhau, các bộ xử lý này có thể được tích hợp vào chip điện thoại di động chính, hoặc là một chip máy tính riêng biệt.
Thông số về tiến trình chip trên các CPU hiện đại
Chắc hẳn chúng ta đều nghe các hãng sãn xuất nói đến tiến trình chip 10 nm hay 7 nm phải không nào? Vậy các số liệu về tiến trình chip này là gì?
Một bộ xử lý CPU được cấu thành từ rất nhiều bóng bán dẫn (transistor) siêu nhỏ. Các transistor này hoạt động với hai trạng bật và tắt để thực hiện chức năng tính toán. Kích thước của bóng bán dẫn càng nhỏ thì lượng điện năng tiêu thụ càng thấp.
CPU sẽ được sản xuất bằng phương pháp quang khắc. Trong đó, hình ảnh của CPU được làm sẵn khắc lên một miếng silicon. Phương pháp cụ thể để sản xuất CPU của từng hãng được gọi là các tiến trình và đo lường thông qua kích thước tối thiểu của bóng bán dẫn mà tiến trình đó có thể sản xuất.
Từ đó ta có thể hiểu 10 nm và 7 nm là đơn vị đo kích thước của các bóng bán dẫn. Trong đó, nm là viết tắt của từ nanomet, một đơn vị đo độ dài siêu nhỏ.
Như thế ta có thể thấy rằng tiến trình chip càng nhỏ thì lượng điện năng tiêu thụ cũng giảm đi, dẫn đến việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn. Từ đó, chúng có thể thực hiện nhiều tác vụ tính toán hơn mà không sinh ra quá nhiều nhiệt.
Thu nhỏ kích thước bóng bán dẫn đồng thời cũng cho phép các nhà sản xuất thu nhỏ kích thước của khuôn chip. Việc này giúp phần nào giảm giá thành sản xuất và gia tăng mật độ bóng bán dẫn trên cùng một kích thước CPU, lấy ví dụ mật độ bóng bán dẫn của các vi xử lý 7nm nhiều gấp đôi so với vi xử lý 14nm. Các nhà sản xuất còn thể dựa vào đặc điểm này để có thể nhồi nhét thêm nhiều lõi hơn vào CPU, từ đó giúp làm tăng hiệu suất xử lý hơn nhiều.
Tốc độ làm việc của CPU
Sức mạnh của một con chip được đo bằng tốc độ xử lý thông tin, khả năng xử lý đồ họa và hình ảnh, gọi chung là hiệu năng của con chip đó. Khả năng xử lý càng nhanh thì ta có thể nói hiệu năng của con chip càng mạnh.
Tốc độ bộ xử lý này được đo bằng MHz hoặc GHz (1 GHz = 1.000 MHz). Đối với các CPU cùng loại, tần số này càng cao thì tốc độ xử lý sẽ càng tăng.
Còn đối với CPU khác loại, thì điều này chưa chắc đã đúng; ví dụ CPU hai nhân có tần số 2.6 GHz có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn CPU 3.4 GHz một nhân.
Bạn có thể hiểu đơn giản ở đây CPU giống như bộ não điều khiển hoạt động, còn nhân sẽ là các cánh tay. Hãy tưởng tượng bạn đang phải vừa nấu cơm vừa pha sữa thì với CPU 2 nhân bạn sẽ làm việc đó bằng 2 tay cùng lúc, còn với CPU đơn nhân bạn phải làm chỉ bằng một tay.
Tốc độ xử lý của điện thoại chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ của CPU, nhưng nó cũng phụ thuộc vào các phần khác như bộ nhớ RAM, bo mạch đồ họa, ổ cứng, hệ điều hành, v.v..
Một số mẫu CPU nổi bật trên điện thoại hiện nay
Đa số các mẫu CPU hiện nay đều được thiết kế dựa trên cấu trúc ARM. Do có đặc điểm tiết kiệm năng lượng, các CPU ARM chiếm ưu thế trong các sản phẩm điện tử di động, mà với các sản phẩm này việc tiêu tán công suất thấp là một mục tiêu thiết kế quan trọng hàng đầu.
Trước tiên, các công ty sản xuất chip sẽ mua lõi xử lý do ARM phát triển và đưa vào các chipset tích hợp của họ, sau những bước chuyển đổi cuối cùng và đưa ra các dòng chip của riêng niệt của từng hãng.
Sau đây hãy cùng mình điểm qua vài dòng chip smartphone thường thấy trên thị trường hiện nay nhé.
Snapdragon
Đây là loại chip đến từ thương hiện Qualcomm đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, và cũng được nhiều nhà sản xuất như Nokia, Xiaomi, OPPO... ưa chuộng cũng như được người dùng yêu thích nhất trong thời điểm hiện tại. Con chip của Qualcomm xuất hiện trải đều từ chiếc Smartphone giá rẻ, tầm trung và cho đến dòng cao cấp.
Hiện nay, chip Snapdragon thường gặp sẽ được chia thành ba loại cho ba phân khúc điện thoại khác nhau bao gồm dòng 4xx cho các điện thoại giá rẻ, 6xx cho điện thoại tầm trung, và 8xx cho các dòng điện thoại cao cấp.
Apple A series
Đây là dòng chip được Apple sản xuất riêng cho thương hiệu điện thoại iPhone của mình. Các con chip này của Apple có tên mã là A - và kèm số đuôi ở phía sau, nên được người dùng gọi là A seri, tương ứng với phiên bản chip mới hơn và mạnh hơn.
Những con chip của Apple luôn được đánh giá cao với hiệu năng vô cùng mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh với các con chip có mặt trên các dòng điện thoại Android cao cấp. Apple được biết đến với các con chip như A9, A10, A11, A13...
Exynos
Cũng như dòng CPU A series của Apple, chúng ta có thêm một đứa con cưng của thương hiệu độc quyền đến từ ông lớn Samsung. Con chip Exynos này được Samsung sản xuất ra dành riêng cho các thiết bị điện thoại, máy tính bảng của mình.
Hầu hết các dòng chip Exynos đều là những bộ xử lý tác vụ tốt, tuy nhiên dù cho Samsung đã làm rất tốt nhưng về việc chơi game trên điện thoại thì Exynos có phần lép vế hơn so với hai đối thủ đến từ Apple và Qualcomm. Vậy nên đại đa số người dùng thích chơi game trên điện thoại, đặc biệt là điện thoại Android vẫn ưu tiên Snapdraon hơn một chút.
Ta có thể kể đến các dòng chip mới nhất như Exynos 9820, Exynos 990… có mặt trên những dòng điện thoại Flagship cao cấp của Samsung như dòng Galaxy Note, Galaxy S...
Helio
Đây bộ xử lý đến từ thương hiệu MediaTek, các con chip Helio này không được đánh giá cao trên thị trường dù cho Mediatek đang ngày càng phát triển và hoàn thiện đứa con của mình hơn.
Chất lượng của Helio khi so với Snapdragon thường sẽ thua thiệt một chút về tốc độ hiệu năng, nhất là về khả năng chơi game. Cũng như chất lượng xử lý ảnh chụp qua camera cũng không tốt như bộ xử lý Snapdragon.
Con chip Mediatek thường được sử dụng chủ yếu trên các thiết bị giá rẻ và tầm trung, với các con chip phổ biến như Helio A22, Helio P22, Helio P60, hay Helio G90t...
Kirin
Trong cuộc đua về chip xử lý, một cái tên mới mang thương hiệu Kirin ra đời được đánh giá cao về hiệu suất và khả năng xử lý nhằm cạnh tranh với các ông lớn như: Qualcomm, Exynos hay MediaTek.
Kirin là dòng chip được Huawei phát triển cho các thế hệ smartphone của mình. Các dòng chip Kirin thông thường được biết đến như Kirin 970, Kirin 710,... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia các dòng chip Kirin thường mang lại hiệu năng ổn định, khả năng tính toán nhanh chóng cùng với đó là nhiều công nghệ hiện đại được tích hợp.
Một số mẫu CPU điện thoại ít được nhắc đến
Intel Atom
Cũng đã có khoảng thời gian Intel nhảy vào thị trường sản xuất chip điện thoại với Intel Atom và được sử dụng trên những thiết bị điện thoại Zenfone của ASUS.
Thay vì tạo ra các chip dựa trên ARM như các con chip khác, họ sử dụng cấu trúc x86 để làm nên các con chip của mình như Intel Atom Z3580… Tuy nhiên sau đó do có quá nhiều điểm yếu và không tương thích với nhiều phần mềm trên điện thoại đã khiến Intel thất bại và đành phải từ bỏ lĩnh vực này.
Spreadtrum
Đây là dòng chip được sản xuất từ công ty Spreadtrum Communications. Được biết đến như các dòng SC7731C, Spreadtrum SC7731G, SC7731E.
Chip Spreadtrum từng được sử dụng trên các dòng smartphone như Galaxy J3, Huawei MediaPad T1-701u,... Sau đó đã không còn thấy xuất hiện quá nhiều trên thị trương smartphone sôi động nữa.
Nhầm lẫn hay gặp phải khi nói về CPU
Liệu chúng ta nên chọn một chiếc smartphone có CPU mạnh, RAM ít hay CPU yếu hơn nhưng RAM nhiều? Đây quả là một câu hỏi khá căng não với nhiều bạn. Nhiều ý kiến cho rằng cứ RAM càng nhiều thì điện thoại sẽ càng mượt mà. Đâu sẽ là một suy nghĩ hoàn toàn sai nhé!
Để điện thoại chạy nhanh và mạnh mẽ hơn, tất cả đều do CPU quyết định, còn nhiệm vụ của RAM là thực hiện các đa nhiệm trên điện thoại. RAM càng lớn thì khả năng chạy đa nhiệm sẽ càng tốt.
Video sau đây sẽ giải thích rõ ràng hơn cho bạn về hai khái niệm này.
Chính vì vậy, nếu chúng ta cần một chiếc smartphone ưu tiên tốc độ xử lý game, ứng dụng thì nên chọn máy có CPU mạnh, còn nếu muốn các thao tác mượt mà, đa nhiệm tốt thì nên chọn máy có bộ nhớ RAM lớn.
Mình hy vọng bài viết trên của mình sẽ giúp bạn có thêm phần nào vốn hiểu biết về CPU trên điện thoại. Bạn có mong muốn bọn mình sẽ làm tiếp chủ đề gì trong tương lai? Hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng mình nhé.
Subscribe by Email
Follow Updates Articles from This Blog via Email
1 Comments
CPU chính là bộ não điều khiển tất cả các hoạt động của điện thoại nên chúng ta cần chọn vi xử lý tốt nhất
Reply Delete