Tìm kiếm
Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021
Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021
8 loại vắc-xin phòng COVID-19 đã được cấp phép tại Việt Nam
(1) Vắc-xin AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. AstraZeneca được Việt nam phê duyệt ngày 01/02/2021 và triển khai tiêm chủng từ tháng 3/2021, hiện đang có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Đây là loại vắc xin sản xuất theo công nghệ vector, sử dụng 2 liều cách nhau 8-12 tuần.
(2) Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V) do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 23/3/2021. Đây là vắc xin sử dụng công nghệ tái tổ hợp hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2. Vắc xin được tiêm 2 liều cách nhau 3 tuần.
(3) Vắc xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co. Ltd - Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Ngày 3/6/2021, vắc-xin Vero Cell đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Vắc xin này sản xuất theo công nghệ bất hoạt vi rút, tiêm 2 liều cách nhau 3-4 tuần.
(4) Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 16/6/2021. Vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA, sử dụng tiêm 2 liều cách nhau 3-4 tuần. Đến ngày 23/8/2021, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức đưa ra chấp thuận hoàn toàn đối với vaccine Pfizer-BioNTech trong phòng ngừa COVID-19 ở những người từ 16 tuổi trở lên.
(5) Vắc xin Spikevax (Tên khác là Moderna) do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc-xin này cũng được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA, sử dụng 2 liều cách nhau 4 tuần. Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 cho loại vắc-xin này vào ngày 28/6/2021.
(6) Vắc xin Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc xin được sản xuất bằng công nghệ véc-tơ vi-rút, sử dụng 1 liều duy nhất. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận loại vắc xin này nhưng Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với loại vắc-xin này vào ngày 15/7/2021.
(7) Vắc-xin vaccine Hayat - Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vắc xin này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Vaccine Hayat - Vax mỗi liều 0,5 ml chứa 6.5 đơn vị kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào vero) bất hoạt, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp một lọ chứa một liều 0,5 ml và hộp một lọ chứa 2 liều, mỗi liều 0,5 ml. Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với vắc-xin này vào ngày 10/9/2021. Liều tiêm đang chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn.
(8) Vắc-xin Abdala được sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) - Cuba. Vắc-xin Abdala mỗi liều 0,5ml chứa 50 mcg vắc-xin protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của vi-rút SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vắc-xin được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với loại vắc-xin này vào ngày 17/9/2021. Liều tiêm đang chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn.
Nguồn tham khảo: website moh.gov.vn - Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tổng hợp (HCDC)
Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021
Cần biết: Đối tượng nào được tiêm vaccine COVID-19 theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế?
Trong hướng dẫn mới nhất về đối tượng được tiêm vaccine COVID-19 của Bộ Y tế đã nới lỏng hơn các điều kiện. Nhóm cần trì hoãn tiêm chủng từ 5 xuống 3 nhóm đối tượng. Phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine.
Theo quyết định 3802/QĐ-BYT ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine COVID-19 của Bộ Y tế đã còn 10 mục cần sàng lọc, thay cho văn bản 3445 ban hành ngày 15/7 có tới 15 mục.
Tất cả người trên 18 tuổi, khoẻ mạnh đủ các điều kiện tiêm, đều được tiêm vaccine COVID-19.
Trước đây người trên 65 tuổi và các nhóm có tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh nền, tiền sử rối loạn đông máu, có bất thường dấu hiệu sống, bất thường khi nghe tim phổi, rối loạn tri giác đều phải tiêm và theo dõi tại các bệnh viện. Tuy nhiên trong hướng dẫn mới không còn.
Hiện duy nhất nhóm phản vệ độ 3 khi tiêm vaccine phải tiêm tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ.
Có 5 nhóm cần khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi tiêm
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu. - Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: nhiệt độ dưới 35,5 độ C hoặc trên 37,5 độ C, mạch < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; nhịp thở trên 25 lần/phút; huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế).
Nhóm cần trì hoãn tiêm chủng từ 5 xuống 3 nhóm đối tượng
- Người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng;
- Người đang mắc bệnh cấp tính;
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine
Với phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine (nếu có cam kết). Tuy nhiên không áp dụng với vaccine Sputnik V.
Trường hợp này chuyển sang nhóm cần thận trọng tiêm chủng và nếu tiêm cần theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với phụ nữ mang thai khi khám cần hỏi tuổi thai. Giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.
Sau khi khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng. Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng. Chuyển tiêm đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan tiêm chủng phải ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng của các đối tượng bao gồm cả trường hợp chống chỉ định vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân.
Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và phiếu cam kết đồng ý tiêm chủng được lưu tại đơn vị tổ chức tiêm trong 15 ngày.
Các phân biệt Vaccine
Thái Bình
Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021
Cách đăng ký online tiêm vaccine COVID-19
Người dân có thể tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên di động hoặc truy cập https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký tiêm, khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm.
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 năm 2021-2022 đặt mục tiêu sẽ tiêm 150 triệu mũi vaccine COVID-19 cho hơn 70% dân số Việt Nam từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin- Truyền thông đã cho ra đời ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để những người có nhu cầu tiêm đăng ký online, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm.
Người dân cũng có thể truy cập cổng thông tin tiêm chủng https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm.
Địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn cũng là nơi công khai và cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
Chiến dịch tiêm chủng tổ chức tại các các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động).
T.Nguyên
Nguồn https://ncov.moh.gov.vn/vi/web/guest/-/6847426-5589
Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021
[Khẩn] Từ 1/8, người dân ở các địa phương đang giãn cách không đi khỏi nơi cư trú | VTC Now
VTC Now | Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch Covid-19. Một nội dung đáng chú ý trong công điện này là việc yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 hỗ trợ đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 đến hết giãn cách.
Nguồn tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=X7PzE7hCs-o
Phát hiện một cặp vợ chồng dương tính với SARS-CoV-2 trên đường di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh qua Hà Nam
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam thông báo, 02 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 là vợ chồng di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh qua Hà Nam.
Bệnh nhân Đ.Đ.M., BN141.359, là nam giới, sinh năm 1992; Bệnh nhân T.M.N.H., BN141.360, là nữ giới, sinh năm 1993, là vợ bệnh nhân BN141.359.
Hai vợ chồng bệnh nhân quê tại phố Ngọc Hà, Phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Hiện cả 2 làm nghề kinh doanh tại nhà, có địa chỉ tại đường Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân từ TP. Hồ Chí Minh về Lào Cai vào trưa ngày 29/7/2021 bằng xe riêng. Trước khi di chuyển, cả 2 bệnh nhân đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bệnh nhân nhận nhầm phiếu của 1 trường hợp trùng họ và tên, có kết quả xét nghiệm âm tính.
Trưa ngày 30/7/2021, khi di chuyển đến chốt kiểm dịch tỉnh Quảng Trị thì phát hiện nhầm phiếu, bệnh nhân thông tin tới cơ sở đã thực hiện xét nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh, và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Sau khi di chuyển đến chốt kiểm dịch thuộc tỉnh Quảng Bình, bệnh nhân đã khai báo y tế và được lực lượng công an hỗ trợ di chuyển qua địa phận các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình. Trong quá trình di chuyển bệnh nhân được lực lượng công an hỗ trợ dừng xe đổ xăng tại Hà Tĩnh.
Đêm ngày 30/7/2021, 2 bệnh nhân trên được cán bộ chốt kiểm dịch tại nút giao Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) lấy mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng ngày 31/7/2021.
Ngay khi về đến nút giao Liêm Tuyền, cả 2 bệnh nhân được đưa vào cách ly và điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Hà Nam.
Hiện tại, bệnh nhân BN141.359 có ho, rát họng, đau mỏi người, còn bệnh nhân BN141.360 không sốt, không ho, không khó thở, sức khỏe ổn định.
Nguồn: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-benh-corona/phat-hien-mot-cap-vo-chong-duong-tinh-voi-sars-cov-2-tren-duong-di-chuyen-tu-tp-ho-chi-minh-qua-ha-nam-52336.html
Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021
Hà Nội: Từ 00h00 ngày 22/7/2021 cách ly tập trung toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội
Từ 0h ngày 22-7: Hà Nội cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội
(HNMO) – Tối 21-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, từ 0h ngày 22-7-2021, tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.
Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, xây dựng phương án, bảo đảm công tác trực ban 24/24/7, đặc biệt là tại các trụ sở cơ quan chính quyền các cấp, các cơ sở y tế tại địa phương để kịp thời xử lý mọi tình huống trong thời gian ngắn nhất; chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập theo quy mô phường, xã, thị trấn, khu đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tại cơ sở, tổ Covid cộng đồng phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, quản lý, giám sát chặt chẽ người dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác.
Với những trường hợp đã về từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác, các địa phương thông báo trên đài truyền thanh cơ sở, ghi rõ thông tin, danh sách, ngày về địa phương để người dân cùng chính quyền giám sát chặt chẽ di biến động, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Giám đốc Sở Y tế được giao chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện chế độ trực 24/24/7; tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 như: Ho, sốt, khó thở,…tại địa bàn.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn xây dựng phương án và đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý củng cố, mở rộng Khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng; đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu để sẵn sàng đào tạo, hỗ trợ cho các bệnh viện khác trên địa bàn.
Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn chủ động sẵn sàng chuẩn bị phương án, nguồn lực, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28-5-2021 của Bộ Y tế cho đơn vị Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 nặng, đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, oxy trung tâm, máy thở …để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.
Các bệnh viện khẩn trương rà soát năng lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để hỗ trợ kịp thời xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn tại Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22-4-2020 của Bộ Y tế.
Tăng cường kiểm tra phương án tổ chức các cơ sở cách ly tại các quận, huyện, thị xã, tham mưu, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo triển khai phương án đáp ứng cách ly cho 30.000 và 50.000 người, ưu tiên tổ chức tại các khu vực ngoại thành.
UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với các lực lượng chức năng cơ sở để tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố; chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết; khi phát hiện có các biểu hiện: Ho, sốt, khó thở,…chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế tại địa phương để được lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc trong thời gian sớm nhất.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Nguồn bài viết
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1006499/tu-0h-ngay-22-7-ha-noi-cach-ly-tap-trung-doi-voi-toan-bo-nguoi-ve-tu-cac-dia-phuong-co-dich-dang-thuc-hien-gian-cach-xa-hoi
Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021
Dừng nhiệm vụ Phó chủ tịch phường nói 'bánh mỳ không phải hàng thiết yếu'
Chính quyền phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) vừa phân công người khác thay chức Trưởng ban Phòng chống dịch của ông Trần Lê Hữu Thọ - người cho giữ xe của công nhân đi mua bánh mì và nói "bánh mì không phải hàng thiết yếu”.
XEM CLIP:
Hiện tại phường Vĩnh Hoà chưa phân công nhiệm vụ mới cho Phó Chủ tịch UBND phường Trần Lê Hữu Thọ vì đang chờ ý kiến cấp trên về việc xử lý kỷ luật liên quan đến thái độ ứng xử với người dân trong việc phòng chống dịch bệnh...
Được biết, ông Trần Lê Hữu Thọ trước đây là cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang. Khoảng 1 năm nay, ông Thọ được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà.
Như đã đưa tin, ngày 19/7, trên một số diễn đàn chia sẻ đoạn clip quay lại hình ảnh đoàn kiểm tra liên ngành tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) xử phạt một công nhân ra đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Tại thời điểm nói trên, công nhân này có xuất trình “giấy xác nhận yêu cầu công việc” do công ty ký. Tuy nhiên, trên xe máy lại xuất hiện một ổ bánh mì và chai nước.
Lực lượng chức năng kiểm tra người đi mua bánh mì. (Ảnh cắt từ clip) |
Cho rằng công nhân nói trên đã ra đường nhưng không có nhu cầu thiết yếu, ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa cùng các lực lượng làm nhiệm vụ đã chặn xe của một công nhân này. Ông Thọ nói "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm, không phải thiết yếu, mà là… đồ ăn".
Ông Thọ còn có biểu hiện phân biệt vùng miền khi “mạnh miệng” hỏi người công nhân kia: “Mày ở trên núi mày xuống hay sao chớ, phải trên núi xuống không”, rồi buông lời thách thức “để ta giữ cho mày đi kiện nghe”. “Mày làm nhà thầu nào? Ecoba đúng không, mai cho mày nghỉ luôn”, ông Thọ nói trong clip.
Chủ tịch TP chỉ đạo trả xe cho nam công nhân
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết đã chỉ đạo UBND phường trả lại xe, giấy tờ cho nam công nhân. Sự việc nói trên là bài học trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, giải thích đối với việc người dân ra đường trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16.
“UBND TP Nha Trang đã chấn chỉnh, quán triệt tư tưởng đối với các anh em trong đoàn liên ngành nói trên. Riêng người vi phạm, thành phố cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng trả lại xe máy cho thanh niên trong đoạn clip”, ông Khánh thông tin.
“Qua câu chuyện cán bộ phường Vĩnh Hòa, mỗi người dân, cán bộ, công chức viên chức sẽ tự rút ra bài học đắt giá trong giao tiếp, trong ứng xử giữa người với người”, bà Trần Thị Lan - người dân TP Nha Trang chia sẻ.
Nguồn bài viết: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vu-banh-mi-khong-phai-hang-thiet-yeu-o-nha-trang-dung-nhiem-vu-pho-chu-tich-phuong-757610.html
Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Test nhanh COVID-19 bán trên mạng, có nên mua về thử?
TTO - Nhiều người tự mua những loại test nhanh này về thử xem có mắc COVID-19 hay không? Khi nhận kết quả âm tính, họ vui vẻ chia sẻ, yên tâm và chủ quan đi lại. Vậy mua test nhanh COVID-19 tự thử có cho kết quả chính xác?
Nhiều người theo dõi Zalo của chị K.N. đều biết thời gian gần đây chị đăng bán test kit xét nghiệm nhanh COVID-19. Theo chị giới thiệu, sản phẩm này được sản xuất từ Hàn Quốc.
Thử như thử... thai
Những người hỏi về sản phẩm đều được chị gửi luôn một clip hướng dẫn cách thử. Chị N. cho rằng cách thử test nhanh này khá đơn giản, chỉ như cách thử thai. Không chỉ chị K.N., nhiều người khác cũng đang rao bán các loại test nhanh này trên mạng.
Chị H.T., ngụ ở Q.Phú Nhuận, cho biết nhờ người quen chị đã mua được 25 bộ xét nghiệm nhanh của Mỹ, mỗi bộ có giá 350.000 đồng để trữ sẵn lâu lâu chị test cho yên tâm.
Trước thông tin hiện nay trên mạng xã hội rao bán nhiều loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19 trên thị trường, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế - cho biết hiện nay đã có một số loại test kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 được Bộ Y tế cho phép lưu hành dưới dạng nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước.
Tuy vậy, Bộ Y tế chưa cho phép người dân tự thử test (xét nghiệm) nhanh tại nhà. Khi người dân có triệu chứng hoặc nghi ngờ thì nên đến cơ sở y tế để thực hiện test nhanh hoặc làm xét nghiệm PCR.
PGS Trần Đắc Phu lưu ý test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho chẳng hạn), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn.
Như vậy, người sau khi nhiễm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác.
Ông Phu khuyến cáo người dân không nên lo lắng quá mà đi xét nghiệm khi không cần thiết, chỉ xét nghiệm khi mình có triệu chứng nghi ngờ hoặc có nguy cơ đã tiếp xúc với người F0 để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc không cần thiết.
Tốt nhất vẫn là thực hiện tốt 5K, không vì có kết quả xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là phòng bệnh.
Độ nhạy test nhanh chỉ 25%
Các chuyên gia đánh giá, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường chỉ có độ nhạy khoảng 25%. Vì không có độ chính xác cao nên khi thử ra kết quả âm tính, nhiều người mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều - trong khi đó kết quả có thể là dương tính - thì vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Mới đây, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh COVID-19, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam đã khuyến cáo người dân không nên tự ý mua các bộ test nhanh COVID-19 về tự kiểm tra cho mình.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, test nhanh thuộc trang thiết bị vật tư y tế, cần phải được Bộ Y tế công nhận. Nếu các bộ test nhanh được các trang mạng chào bán không có tên trong danh mục mà Bộ Y tế đưa ra thì đương nhiên không hợp pháp.
Hiện nay TP.HCM đã tập huấn thực hiện test nhanh COVID-19 cho các khu chế xuất - khu công nghiệp, Khu công nghệ cao và doanh nghiệp trên địa bàn nhưng chưa có hướng dẫn cho người dân tự thực hiện.
Quy trình lấy mẫu cũng như kỹ thuật thực hiện test nhanh gồm cách lấy mẫu tỵ hầu, đọc kết quả test nhanh không quá khó, tuy nhiên mỗi test nhanh có giá trị tiên đoán, độ nhạy, độ đặc hiệu khác nhau. Những loại test nhanh các cơ sở y tế của TP.HCM đang sử dụng đều được Bộ Y tế thẩm định. Nhiều người dân lo lắng và tìm mua các bộ test nhanh về tự thực hiện là không nên.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM đã triển khai xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật RT-PCR và test nhanh.
Do đó, khi có nhu cầu, người dân có thể đến các cơ sở y tế để được cung cấp dịch vụ xét nghiệm tầm soát COVID-19. Mức giá cho 2 phương pháp này là 238.000 đồng/mẫu test nhanh và 734.000 đồng/mẫu đơn đối với xét nghiệm RT-PCR.
Tham khảo https://tuoitre.vn/hoi-dap-ve-dich-covid-19-test-nhanh-covid-19-ban-tren-mang-co-nen-mua-ve-thu-20210717074515703.htm