Ngày 18-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” với sự tham dự của các vị khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia để phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nội dung cụ thể liên quan đến Nghị quyết này.
Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn và đúng thời điểm
Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu đều thống nhất cho rằng, Nghị quyết 128 là quyết sách hết sức đúng đắn trong thời điểm hiện nay, phù hợp tính thích ứng linh hoạt, triển khai những giải pháp phù hợp cho tình hình mới. Quyết sách này cực kỳ quan trọng, rất rõ và có hàng loạt chủ trương, giải pháp phù hợp.
Theo GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam: Bản thân Nghị quyết 128 ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; hướng dẫn cách thức bảo đảm tính an toàn linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả. Đáng chú ý, Nghị quyết này thay thế cho các Chỉ thị trước đó là 15,16, 19. Đây là một dấu mốc cho việc cả nước chúng ta chuyển qua giai đoạn bình thường mới. Tất nhiên, thực tế chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới (F0), vẫn có những điểm đỏ, vùng đỏ nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan… Gần đây, Thanh Hoá, Phú Thọ vẫn xuất hiện ca bệnh mới, không chủ quan nhưng không hoảng sợ, lo lắng quá mức.
Nghị quyết có xây dựng dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất, số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần; thứ hai, số người đã tiêm; thứ ba là khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc.
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: Chinhphu.vn |
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và các chuyên gia đều nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới. Số ca nhiễm vẫn có thể tăng cao, việc bao phủ vắc xin của chúng ta cũng đang ở mức còn khiêm tốn. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ chỗ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch.
Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vắc xin ở nước ta vẫn còn ở mức nhất định, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức Zero Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội. Để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin. Đây chính là biện pháp căn bản, có thể coi như là phương pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong.
Thích ứng linh hoạt nhưng không được phép vượt quy định
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong Nghị quyết 128 có quy định về 9 biện pháp để áp dụng cho 4 cấp độ dịch rất cụ thể nên các địa phương phải căn cứ vào đó để điều chỉnh cho phù hợp, linh hoạt với tình hình của mình. Nghị quyết cũng tạo điều kiện để các địa phương linh hoạt, tuy nhiên không được phép vượt quá quy định cho phép. Ví dụ như Cần Thơ để xảy ra tình trạng hàng nghìn xe ô tô ách tắc, nối đuôi nhau vì yêu cầu phải đăng ký quy định tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa trong thời gian qua.
Rồi nhiều địa phương có những quy định không thống nhất thời gian kết quả xét nghiệm, hay quy định phải ký cam kết phòng chống dịch... Đây chính là những quy định thiếu linh hoạt và cũng đồng nghĩa với việc không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng ý với quan điểm này, GS Nguyễn Anh Trí đánh giá, việc các phương tiện lưu thông trên đường không làm cho tình trạng lây nhiễm chéo dịch Covid-19 phát sinh, mà chính những chốt kiểm soát với nhiều quy định khó thực hiện mới dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh. Một vấn đề ai cũng hiểu là phòng chống dịch phải thông thoáng, tránh tụ tập đông người thì những quy định tại mỗi địa phương lại vô tình tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ: Trước hết, chúng ta phải hiểu và nhận thức đúng là trong mọi điều kiện, kể cả trạng thái bình thường hay trong giai đoạn chống dịch thì ngành GTVT luôn luôn phải đáp ứng được mọi yêu cầu. Từ nhận thức đó và từ quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ và của ngành đã xác định là khi đất nước đang ở trạng thái bình thường bắt đầu phòng chống dịch thì chuyển sang trạng thái mới. Khi đã chuyển sang trạng thái mới, thì ngành GTVT cũng phải thích ứng kịp thời và phải đảm bảo phục vụ lưu thông hàng hoá, phục vụ đi lại của người dân và phục vụ phòng chống dịch tốt nhất.
Chính từ quan điểm chỉ đạo, từ nhận thức đó, ngành GTVT quán triệt từ Trung ương đến địa phương, phải nắm được quan điểm này để tổ chức thực hiện đồng bộ, thể hiện vai trò của ngành trong phòng, chống dịch. Kết quả này cho thấy tuy chúng ta tổ chức triển khai giãn cách xã hội, có những địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15, nhưng cũng có địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, và có những địa phương thực hiện trên Chỉ thị 16, điều kiện còn ngặt nghèo hơn. Hoặc sau này, chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 19.
Trước tình hình diễn biến như thế, ngoài đưa ra quan điểm chỉ đạo sát tình hình, sát chủ trương của Đảng, của Chính phủ trong chỉ đạo phòng, chống dịch, ngành GTVT còn đưa ra giải pháp cụ thể sát với tình hình của ngành. Đó là xác định không thể đứt được chuỗi cung ứng, trong đó khâu lưu thông là vấn đề vô cùng quan trọng phục vụ cho phòng chống dịch; xác định những nơi áp dụng cấp độ khác nhau nhưng vẫn phải tổ chức vận tải, kể cả vùng có dịch hay vùng không có dịch. Rồi vấn đề phối kết hợp, ví dụ như chúng tôi phải duy trì được cầu hàng không vận chuyển từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh, vừa vận chuyển vật tư thiết yếu, thuốc men, đồng thời, vận chuyển nguồn nhân lực để hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch; phục vụ sự đi lại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Đối với hàng hóa, chúng tôi cũng xác định không để đứt gãy chuỗi hàng hoá nên phải duy trì bằng mọi cách, ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh là khu vực cảng Cát Lái, và một số cảng của Đồng Nai, Bình Dương gắn liền với những khu công nghiệp, khu chế xuất. Ở đây, chúng ta vẫn tổ chức thực hiện sản xuất tại chỗ, duy trì sản xuất để vẫn có sản phẩm cho xuất khẩu hàng hoá. Do đó, chúng tôi phải tổ chức làm sao giữ vững được chuỗi vận tải và đến bây giờ, có thể khẳng định hàng hoá xuất khẩu trong dịp vừa rồi, nhất là qua cảng biển lớn như Hải Phòng, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, khu vực Đồng Nai, Quy Nhơn… vẫn được duy trì.
Có thể thấy, một quan điểm rất rõ ràng từ cấp Chính phủ cho đến các bộ ngành liên quan trực tiếp như Bộ Y tế và Bộ GTVT đều có cái nhìn thống nhất và những giải pháp đồng bộ trong thực hiện Nghị quyết 128. Tuy nhiên khi triển khai ở một số địa phương vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự hợp lý và tạo sự đồng thuận cho nhân dân. Từ thực tế này cho thấy, việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới phải được thực hiện một cách linh hoạt nhưng không được phép vượt quá khuôn khổ hướng dẫn của Bộ Y tế và tinh thần của Nghị quyết 128.
Subscribe by Email
Follow Updates Articles from This Blog via Email
No Comments