Tìm kiếm

Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

thumbnail

[Khẩn] Từ 1/8, người dân ở các địa phương đang giãn cách không đi khỏi nơi cư trú | VTC Now

 VTC Now | Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch Covid-19. Một nội dung đáng chú ý trong công điện này là việc yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 hỗ trợ đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 đến hết giãn cách.

Nguồn tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=X7PzE7hCs-o

thumbnail

Phát hiện một cặp vợ chồng dương tính với SARS-CoV-2 trên đường di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh qua Hà Nam

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam thông báo, 02 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 là vợ chồng di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh qua Hà Nam.

Bệnh nhân Đ.Đ.M., BN141.359, là nam giới, sinh năm 1992; Bệnh nhân T.M.N.H., BN141.360, là nữ giới, sinh năm 1993, là vợ bệnh nhân BN141.359.

Hai vợ chồng bệnh nhân quê tại phố Ngọc Hà, Phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Hiện cả 2 làm nghề kinh doanh tại nhà, có địa chỉ tại đường Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân từ TP. Hồ Chí Minh về Lào Cai vào trưa ngày 29/7/2021 bằng xe riêng. Trước khi di chuyển, cả 2 bệnh nhân đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bệnh nhân nhận nhầm phiếu của 1 trường hợp trùng họ và tên, có kết quả xét nghiệm âm tính.

Trưa ngày 30/7/2021, khi di chuyển đến chốt kiểm dịch tỉnh Quảng Trị thì phát hiện nhầm phiếu, bệnh nhân thông tin tới cơ sở đã thực hiện xét nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh, và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Phát hiện hai vợ chồng dương tính với SARSCoV2 trên đường di chuyển từ TP Hồ Chí Minh qua Hà Nam
Người dân đến làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam.

Sau khi di chuyển đến chốt kiểm dịch thuộc tỉnh Quảng Bình, bệnh nhân đã khai báo y tế và được lực lượng công an hỗ trợ di chuyển qua địa phận các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình. Trong quá trình di chuyển bệnh nhân được lực lượng công an hỗ trợ dừng xe đổ xăng tại Hà Tĩnh.

Đêm ngày 30/7/2021, 2 bệnh nhân trên được cán bộ chốt kiểm dịch tại nút giao Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) lấy mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng ngày 31/7/2021.

Ngay khi về đến nút giao Liêm Tuyền, cả 2 bệnh nhân được đưa vào cách ly và điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Hà Nam.

Hiện tại, bệnh nhân BN141.359 có ho, rát họng, đau mỏi người, còn bệnh nhân BN141.360 không sốt, không ho, không khó thở, sức khỏe ổn định.

 CDC Hà Nam

Nguồn: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-benh-corona/phat-hien-mot-cap-vo-chong-duong-tinh-voi-sars-cov-2-tren-duong-di-chuyen-tu-tp-ho-chi-minh-qua-ha-nam-52336.html

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

thumbnail

Hà Nam: Số tổng đài Hành Chính Công TP.Phủ Lý quản lý CCCD

Hà Nam: Số tổng đài Hành Chính Công TP.Phủ Lý quản lý CCCD 

Tel: 0222.3851.086

Tel: 0226.385.7777

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

thumbnail

Hà Nội: Thông tin báo chí về công tác phòng, chống dịch của Hà Nội khi thực hiện giãn cách xã hội

Sáng 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố 15 ngày, từ 6h00 ngày 24/7/2021.

Đảm bảo sẵn sàng y tế chống dịch
 
Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, từ 18 giờ ngày 23/7 đến 7h sáng nay, trên địa bàn Thành phố có thêm 9 ca mắc Covid-19, đều là F1. Hiện tại, các bệnh viện của Thành phố đang điều trị 379 bệnh nhân tại 4 bệnh viện, trong đó, có 8 bệnh nhân nặng (1 bệnh nhân lọc máu). 
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng thông tin tại buổi họp báo
 
Về diễn biến tình hình dịch đợt này, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trung bình 1 ngày, Hà Nội phát hiện thêm 50-60 trường hợp, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng. Hơn nữa, đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virut Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, từ 2-3 ngày, Phó Giám đốc Sở Y tế phân tích.
 
Thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay, đang là phương án, kịch bảo 1.000 giường đã được thực hiện; sắp tới, Sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị.

Tầng 1: bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Hiện, Thành phố sẵn sàng có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.
 
Tầng thứ 2: sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền, Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.
 
Tầng 3 và 4: gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó, có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.
 
Ngoài ra, ở địa bàn Hà Nội, với phương châm “4 tại chỗ”, ngoài các bệnh viện của Thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an. “Với những kịch bản như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND Thành phố, trong thời gian tới, hoàn toàn đáp ứng được với từng tình huống cụ thể”, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cũng thông tin thêm, hiện tại, năng lực của riêng ngành Y tế Thủ đô có 412 giường hồi sức, 222 bác sĩ và trên 400 điều dưỡng có khả năng sử dụng máy thở. 
 
Ngoài ra, năng lực xét nghiệm của Thành phố hiện tại là 48 nghìn mẫu/ngày với 20 máy PCR và sắp tới bổ sung thêm 5 máy nữa. Thành phố cũng có 111 xe cứu thương có thể huy động để phân luồng bệnh nhân tốt nhất. Kinh nghiệm thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc phân luồng rất quan trọng, phân luồng tốt, từng vòng điều trị riêng để có khả năng kiểm soát, điều trị tốt hơn.
 
Về công tác tiêm phòng dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, tính đến ngày 23/7, Hà Nội đã tiêm được 211.460 mũi, trong đó, có 201.965 người tiêm 1 mũi và 9.443 người tiêm đủ 2 mũi, đặc biệt cho các lực lượng tuyến đầu.
 
Theo Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đã được Thành phố phê duyệt và Sở Y tế triển khai, mục tiêu cao nhất là tiêm từ 100.000-200.000 mũi/ngày. Thành phố đã khởi động 1.000-1.200 dây chuyền tiêm tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường để tiêm chủng cho các trường hợp không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử dị ứng, phản vệ, những trường hợp trong tuổi trưởng thành. Đối với những trường hợp có tiền sử phản vệ, có bệnh lý nền, người cao tuổi thì sẽ tiêm ở các bệnh viện, nơi có đủ trang thiết bị phòng hộ để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp có sốc phản vệ sau tiêm.
 
Hiện tại, Sở Y tế có 3 loại vắc xin. Với nguồn vắc xin về trong đợt tới, Sở sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới đến tháng 3/2022, sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5-6 triệu người.
 
Tạm thời cấm shipper giao hàng
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Vũ Văn Viện cho biết, Sở Giao thông vận tải đang thực hiện tổ chức lại giao thông vận tải trên địa bàn, theo tinh thần Chỉ thị 16 thì xác định có 3 đối tượng ưu tiên đi lại trong thời gian giãn cách:
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Vũ Văn Viện thông tin tại hội nghị
 
Một là, xe chở hàng hoá đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá trên “luồng xanh” quốc gia, có lộ trình đi qua thành phố Hà Nội. 
 
Thứ hai là xe chở hàng hoá thiết yếu cho thành phố Hà Nội của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND TP. 
 
Thứ ba là xe chở người và các phương tiện phục vụ công vụ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
 
Để phục vụ các đối tượng ưu tiên lưu thông, chủ các phương tiện thực hiện cấp giấy phép “luồng xanh” quốc gia trên Cổng dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ, việc cấp không quá 4 phút và sau khi nhận được đầy đủ thông tin, Sở Giao thông vận tải sẽ cấp ngay trong thời gian không quá 1 phút, hoàn toàn thực hiện trên mạng internet. Sau khi hoàn thành thủ tục in giấy và dán trên xe. Ngoài “luồng xanh” thì đối với hàng hoá mau hỏng cần phải vận chuyển nhanh thì có thêm phù hiệu “Hàng hoá mau hỏng”, đảm bảo nhanh gọn lưu thông. 
 
Hiện nay, Thành phố đang tổ chức 22 chốt kiểm dịch, thực hiện Chỉ thị 17, Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với Công an Thành phố dự kiến bố trí thêm 30 chốt của thành phố và 26 chốt quận, huyện để đảm bảo kiểm soát hoạt động hàng ngày theo đúng quy định. Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở một số chốt, Sở đang phối hợp để tổ chức chốt thành nhiều lớp. Ví dụ ở chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ có một lớp thì tới đây đề xuất tổ chức thành 3 lớp, 1 là trước trạm thu phí để cho những đối tượng phải quay đầu phải quay ngay. Đối với những đối tượng chở hàng hoá được phép đi qua thì tổ chức kiểm tra ở trạm thứ 2, bên trong trạm thu phí. Với xe vận tải lớn như containner thì kiểm tra ở chốt thứ 3 để tránh tối đa ùn tắc.
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cũng cho biết: Để ưu tiên phòng dịch là trên hết, trước hết đảm bảo an toàn cho nhân dân, tạm thời cấm đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) bởi chưa kiểm soát được lực lượng này. Ngay sau đây, Sở Giao thông vận tải sẽ có văn bản chính thức và gửi đến các đơn vị công nghệ kết nối loại hình dịch vụ này để triển khai nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Thành phố.
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện khẳng định: Trên tinh thần kiểm soát 100% các xe vào thành phố Hà Nội để thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố nhưng tối ưu các phương án để giảm ùn tắc.
 
Đảm bảo không thiếu hàng hoá
 
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, với việc bảo đảm hàng hóa, Sở Công Thương đã được giao triển khai từ đầu năm 2020, hiện đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu. 
 
Quyền Giám đốc Sở Công thương Thành phố Trần Thị Phương Lan thông tin tại cuộc họp báo
 
Hiện nay, nguồn cung hàng hóa đã được doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo Thành phố, lượng dự trữ đang tăng từ 30-50% được bố trí trong kho hàng của Thành phố và một số tỉnh lân cận. Từ khi có Công điện 15 các đơn vị phân phối tiếp tục đưa hàng về với lượng dự trữ hàng ngày tăng 30% ngay tại hệ thống quầy kệ và kho hàng trung tâm; bố trí nhân lực triển khai bán hàng hoặc bán hàng online. 
 
Hiện nay, Thành phố vẫn bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ngay sáng nay, thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, hàng hóa và sức mua vẫn bình thường; các chợ dân sinh chấp hành nghiêm quy định của Thành phố chỉ bán mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh; nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. 
 
Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất, đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thành phố trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
 
An toàn tính mạng, sức khoẻ người dân là trên hết
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Chử Xuân Dũng khẳng định, Thành phố sẽ thực hiện các nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt nhất; đồng thời, sẽ tiếp tục bổ sung các giải pháp sát với thực tiễn, diễn biến tình hình dịch.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng thông tin tại hội nghị
 
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, Ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, đồng thời, mong muốn có sự đồng hành phối hợp chặt chẽ của các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố trong triển khai phòng chống dịch ở mức độ cao hơn. “Ban Tuyên giáo và Sở Thông tin và Truyền thông sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí một cách kịp thời, chính thống, đầy đủ nhất”, đồng chí Bùi Huyền Mai khẳng định.
 
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai thông tin tại hội nghị
 
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, trước diễn biến hết sức phức tạp của hình dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước, đánh giá tình hình thực tiễn của Thủ đô hiện nay, Thành phố quyết định thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h hôm nay. 
 
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm này là hết sức cần thiết. Bởi căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trong thời gian vừa qua, chỉ từ 27/4 đến nay đã có 675 ca, nhưng có tới 257 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu hiệu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
 
Hơn nữa, với vị trí Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia, nếu không đảm bảo phòng chống dịch tốt thì sẽ tác động rất lớn đến cả nước. Trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm thành trì của Thủ đô và bảo vệ được thành quả chống dịch trong thời gian qua. “Vì thế cần thiết phải áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
 
Đồng chí cũng đánh giá, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của Thành phố có sự cố gắng rất lớn trong lãnh đạo chỉ đạo, đồng hành của cơ quan báo chí, doanh nghiệp, người dân, nên Thành phố đã đạt được kết quả rất lớn trong phòng, chống dịch bệnh, cơ bản kiểm soát được tình hình.
 
Trên thực tế, Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 nhưng có nhiều biện pháp trên mức Chỉ thị 15. Các cơ quan của Thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản ở các cấp độ khác nhau, từ y tế, công thương, giáo dục, giao thông vận tải… đồng thời, Thành phố đã chỉ đạo tổ chức diễn tập các phương án đó để khi diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp hơn thì hoàn toàn chủ động được. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng ghi nhận người dân đã ủng hộ, chia sẻ và chấp hành tốt yêu cầu của chính quyền.
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo, chủ động các phương án theo từng cấp độ của dịch. Hiện nay, Sở Y tế đã chuẩn bị các phương án, từ việc cách ly, điều trị, tiêm chủng theo các mức độ khác nhau của dịch. “Phải khẳng định là ngành Y tế Thủ đô đảm bảo được công tác phòng chống dịch, điều trị, chữa trị, tiêm chủng trong các tình huống. Kể cả về nhân lực, trang thiết bị, điều kiện vật tư cần thiết của ngành Y tế. Vì thế, nhân dân yên tâm. Không những vậy, với đặc điểm của Thủ đô, không chỉ có Y tế của Thành phố mà còn có hệ thống Y tế tuyến Trung ương, lực lượng vũ trang, công an, cả hệ thống y tế ngoài công lập”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
 
Ngoài ra, với kinh nghiệm từ thực hiện cách ly xã hội của năm 2020 và kinh nghiệm từ các địa phương khác, thành phố Hà Nội đã rất chủ động chuẩn bị nguồn hàng, tính toán kế hoạch để lưu thông, phân phối hàng hóa, cùng với kiểm tra, giám sát để đảm bảo không tăng giá. “Đâu đó có hiện tượng người dân đi mua tích trữ hàng hoá nhưng về cơ bản trên địa bàn Thành phố không có. Sáng nay, tại các siêu thị, cửa hàng thì hàng hoá dồi dào phục vụ nhân dân. Thành phố cũng đã tính đến các phương án dài hơn chứ không chỉ cho giai đoạn ngắn”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định.
 
Công tác vận tải, phân luồng giao thông cũng được ngành Giao thông vận tải Thành phố chủ động, phối hợp với Trung ương để triển khai. Có thời điểm xảy ra ùn tắc nhưng dựa vào tình hình thực tế, Thành phố thường xuyên bám sát để có giải pháp xử lý ngay, đảm bảo không để ách tắc hàng hoá không chỉ của Hà Nội, mà còn của các tỉnh, thành. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu kiểm soát kỹ người và phương tiện ra, vào Hà Nội; đảm bảo hoạt động công vụ được thông suốt.
 
Chia sẻ với những khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, ít nhiều cũng có tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân và cơ quan, đơn vị, các nhóm yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hộ nghèo, người khuyết tật… Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành phố đã có kế hoạch và chỉ đạo, có phương án cụ thể tới từng thôn, xã rà soát để tính toán đến phương án hỗ trợ theo chế độ riêng của Thành phố, ngoài chế độ của Trung ương.
 
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thành phố mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ, tuyên truyền công tác chống dịch của Thành phố để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, mà trước hết là nghiêm túc chấp hành các nội dung trong Chỉ thị 17-CT/UBND của UBND Thành phố mới ban hành, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong muốn.
 
Đồng chí cũng chia sẻ, Thành phố đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng dịch. Đồng thời, sẽ kiểm tra, xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm. “Trong quá trình này, Thành phố mong muốn các cơ quan báo chí theo sát diễn biến tình hình, có động viên kịp thời nhưng cũng thẳng thắn góp ý, phê phán mang tính xây dựng, phát hiện những mô hình hiệu quả để Thành phố phát hiện, có khen thưởng hoặc xử lý kịp thời”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. 
 
Vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát diễn biến tình hình, trên tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Nguyễn Hợp - Trọng Toàn - Lê Hải

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

thumbnail

Hà Nội: Từ 00h00 ngày 22/7/2021 cách ly tập trung toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội

 

Từ 0h ngày 22-7: Hà Nội cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội



(HNMO) – Tối 21-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, từ 0h ngày 22-7-2021, tổ chức cách ly tập trung tại các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn thành phố đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch được cấp thẩm quyền cho phép.

Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, xây dựng phương án, bảo đảm công tác trực ban 24/24/7, đặc biệt là tại các trụ sở cơ quan chính quyền các cấp, các cơ sở y tế tại địa phương để kịp thời xử lý mọi tình huống trong thời gian ngắn nhất; chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập theo quy mô phường, xã, thị trấn, khu đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tại cơ sở, tổ Covid cộng đồng phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, quản lý, giám sát chặt chẽ người dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác.

Với những trường hợp đã về từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác, các địa phương thông báo trên đài truyền thanh cơ sở, ghi rõ thông tin, danh sách, ngày về địa phương để người dân cùng chính quyền giám sát chặt chẽ di biến động, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giám đốc Sở Y tế được giao chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện chế độ trực 24/24/7; tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 như: Ho, sốt, khó thở,…tại địa bàn.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn xây dựng phương án và đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý củng cố, mở rộng Khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng; đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu để sẵn sàng đào tạo, hỗ trợ cho các bệnh viện khác trên địa bàn.

Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn chủ động sẵn sàng chuẩn bị phương án, nguồn lực, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28-5-2021 của Bộ Y tế  cho đơn vị Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 nặng, đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, oxy trung tâm, máy thở …để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.

Các bệnh viện khẩn trương rà soát năng lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và điều kiện an toàn sinh học cấp II để hỗ trợ kịp thời xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2  theo hướng dẫn tại Quyết định số 2245/QĐ-BYT ngày 22-4-2020 của Bộ Y tế.

Tăng cường kiểm tra phương án tổ chức các cơ sở cách ly tại các quận, huyện, thị xã, tham mưu, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo triển khai phương án đáp ứng cách ly cho 30.000 và 50.000 người, ưu tiên tổ chức tại các khu vực ngoại thành.

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với các lực lượng chức năng cơ sở để tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố; chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết; khi phát hiện có các biểu hiện: Ho, sốt, khó thở,…chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế tại địa phương để được lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc trong thời gian sớm nhất.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.


Nguồn bài viết

 http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1006499/tu-0h-ngay-22-7-ha-noi-cach-ly-tap-trung-doi-voi-toan-bo-nguoi-ve-tu-cac-dia-phuong-co-dich-dang-thuc-hien-gian-cach-xa-hoi

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

thumbnail

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979

 Nguyên nhân sâu xa của việc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979 có phải là nhằm làm suy yếu một nước Việt Nam thống nhất?

LTS: Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái làm xấu đi quan hệ giữa hai nước, như cắt giảm viện trợ, thúc đẩy Hoa Kiều Việt Nam hồi hương, hay giúp Khơ-me đỏ Campuchia tiến hành chiến tranh biên giới phía Tây Nam. Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979 có phải là nhằm làm suy yếu một nước Việt Nam thống nhất?

Câu hỏi này cần phải được giải thích từ nhiều nguyên nhân, phân tích từ nhiều góc nhìn. Bắc Kinh từng lu loa họ phát động “cuộc chiến tranh phòng vệ” nhằm đem lại hòa bình cho khu vực biên giới, vốn đã trở nên hỗn loạn từ năm 1977, ảnh hưởng tới đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, ngày càng có nhiều bằng chứng được các học giả nước ngoài công bố, cho thấy Bắc Kinh có những mục đích chiến lược xa xôi, ấp ủ từ lâu.

Cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 do Bắc Kinh khơi mào còn nhằm thử phản ứng của Liên Xô và qua đó đánh giá khả năng tác chiến của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).

Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết đầu tiên trong chuyên đề Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979, mời quý vị độc giả tham khảo và chia sẻ thêm các góc phân tích về cuộc chiến. 

>> Biên giới tháng 2/1979: Sòng phẳng với lịch sử

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái làm xấu đi quan hệ giữa hai nước, như cắt giảm viện trợ, thúc đẩy Hoa Kiều Việt Nam hồi hương, hay giúp Khơ-me đỏ Campuchia tiến hành chiến tranh biên giới phía Tây Nam. Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979 có phải là nhằm làm suy yếu một nước Việt Nam thống nhất?

Biên giới Việt – Trung đêm ngày 17/2/1979 trong khi một bên vẫn vui sống hòa bình thì phía bên kia một lực lượng phản ứng nhanh gồm 8 đơn vị bộ binh (20 lữ đoàn) và các đơn vị hỗ trợ, tổng cộng 300.000 binh sĩ (lúc đỉnh điểm lên tới 800.000) đã được tập hợp, được trang bị 1.000 xe tăng, ít nhất 1.500 khẩu pháo.

Rạng sáng hôm đó, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km.

Đối mặt với quân Trung Quốc, ban đầu chỉ là lược lượng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Việt Nam.

Đồi núi được biến thành pháo đài với đường hầm, hố chông.

Bằng kinh nghiệm của gần 30 năm chiến tranh, Việt Nam đã chống trả dữ dội và chia thành các đơn vị nhỏ, cấp tiểu đội, tiểu tổ để dùng cách đánh du kích.

Sau ba tuần giao tranh, Trung Quốc đột ngột tuyên bố đạt được các mục tiêu và quyết định rút quân.

Kể từ năm 1979, đã xảy ra ít nhất 6 cuộc xung đột lớn ở biên giới (vào tháng 7/1980, tháng 5/1981, tháng 4/1983, tháng 4/1984, tháng 6/1985 và tháng 12/1986 kéo dài đến tháng 1/1987). Tất cả đều do phía Trung Quốc khiêu khích, hoặc lên kế hoạch nhằm đạt các mục tiêu chính sách đối ngoại lớn hơn.

Vụ nã pháo vào Cao Bằng tháng 7/1980

Trong 6 tháng đầu năm 1980, cả Trung Quốc và Việt Nam đều ghi nhận một số lượng ngày càng tăng các sự cố biên giới.

Đầu tháng 7, hai bên đã trao đổi công hàm phản đối các hành động của nhau.

Ngày 4/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam cáo buộc pháo Trung Quốc đã bắn nhiều lần vào lãnh thổ Việt Nam từ ngày 28/6, làm nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương. Ngày hôm sau, lực lượng biên phòng Trung Quốc cho biết đã bắn hàng trăm quả pháo sang Cao Bằng trong một vụ tấn công kéo dài 3 ngày.

Trong công hàm ngày 6/7, Trung Quốc giải thích các hành động của mình là nhằm đáp trả “những khiêu khích vũ trang không ngừng” ở khu vực biên giới của họ.

Các sự kiện trong giai đoạn này đã dẫn tới việc một phóng viên đưa tin rằng “căng thẳng ở biên giới đã đạt tới đỉnh điểm”. Sau đó, cũng nhanh như nó đã bắt đầu, cuộc xung đột chìm xuống.

Ngày 12/9, Việt Nam nhắc lại đề nghị tiến hành đối thoại hòa bình.

Tận hôm 23/6, Trung Quốc mới cho biết sẽ nối lại các cuộc hòa đàm tại Hà Nội “ngay khi xuất hiện một nhân tố tích cực ủng hộ đàm phán, dù rất nhỏ”.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc tìm cách giành lợi thế trong cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan bằng cách quấy rối Việt Nam trong khi Moscow đang bận bịu ở chỗ khác.

Cuộc bắn pháo của Trung Quốc tháng 7 năm đó cũng có thể được xem như một cách đáp trả đối với đề nghị nối lại đàm phán của Việt Nam về bình thường hóa quan hệ, vốn đã đổ vỡ từ tháng 12/1979, cũng như một đề xuất khác của Việt Nam, theo đó hai bên nên thực hiện ngừng bắn nhân dịp năm mới.

Nói cách khác, Trung Quốc cố tìm cách chứng tỏ quyết tâm gây sức ép với Việt Nam để buộc quân đội Việt Nam phải rời khỏi Campuchia. 

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979
Chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra vào ngày 17.2.1979.

Vụ chiếm núi ở Lạng Sơn và Hà Tuyên tháng 5/1981

Ngày 2/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xuất ngừng bắn nhân dịp Năm mới, song bị giới chức Trung Quốc bác bỏ vào ngày 20/1. Tuy nhiên, hai bên đã tiến hành trao đổi tù binh. Trong những tháng tiếp theo, khu vực biên giới tương đối yên tĩnh.

Tháng 5, một cuộc xung đột lớn khác đã xảy ra với cường độ lớn chưa từng thấy kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới tháng 2 và 3/1979.

Ngày 5 và 6/5, các lực lượng địa phương của Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng một dải đất hẹp ở biên giới, chiếm đồi 400 thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, và chiếm một số ngọn đồi chiến lược khác (mang số 1800 a, 1800b, 1688 và 1059) tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên. Giống như trước đây, Trung Quốc giải thích các hành động của mình là đáp trả các sự cố biên giới do Việt Nam khởi xướng trong quý đầu năm đó.

Việt Nam đã đáp trả bằng việc truy đuổi quân Trung Quốc sang tận lãnh thổ của họ.

Ngày 22/5, Trung Quốc rêu rao đã sát hại 85 người Việt Nam. Cùng ngày, nguồn tin Việt Nam cho biết một lữ đoàn Trung Quốc đã chiếm đóng và lập quyền kiểm soát một quả đồi ở huyện Vị Xuyên.

Giao tranh giảm dần và ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại đề nghị nối lại đối thoại.

Cũng như tháng 7/1980, cuộc giao tranh ác liệt tháng 5/1981 do phía Trung Quốc gây ra, nhằm phục vụ mục đích chính trị xa xôi.

Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh đã nhanh chóng kết nối tình hình leo thang xung đột này với chính sách Campuchia của Trung Quốc. Nhiều kế hoạch sau đó đã được tiến hành nhằm sáp nhập 3 nhóm kháng chiến chính của Campuchia thành một mặt trận thống nhất chống Việt Nam.

Theo quan điểm này, các cuộc tấn công dọc biên giới phía Bắc được thiết kế nhằm buộc Việt Nam phải tăng cường phòng thủ.

Các nhà ngoại giao cũng ghi nhận rằng Hội thảo quốc tế tài trợ cho Campuchia đã được lên kế hoạch và sẽ làm theo mục đích của Trung Quốc, theo đó Việt Nam bị mô tả là một “kẻ hiếu chiến”. Sau đó, việc Trung Quốc tỏ ra cứng rắn trong chính sách “gây đổ máu cho Việt Nam” cũng là nhằm phục vụ lợi ích của họ và can ngăn ASEAN thông qua một chính sách hòa giải tại hội nghị ngoại trưởng tại Manila (Philippines) sau đó.

Theo quan điểm này, hành động của Trung Quốc sẽ lôi kéo các nước khác rằng việc họ không ngừng gây sức ép đối với Việt Nam chỉ là cách để buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Cuối cùng, Trung Quốc đã thúc đẩy việc ngăn Việt Nam tăng cường quân đội tại Campuchia vì đã phải tập trung lực lượng lên biên giới phía Bắc.

Sau các vụ đụng độ tháng 5/1981, căng thẳng biên giới Việt – Trung ở mức tương đối thấp cho đến tháng 4/1983. Dường như các sáng kiến cải thiện quan hệ Xô – Trung, cũng như các cuộc tiếp xúc giữa Trung Quốc và Việt Nam dẫn tới quãng thời gian tạm yên ắng này.

Các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ Xô – Trung xuất hiện từ tháng 9/1981, thậm chí trước đó, khi Liên Xô gửi một công hàm tới Trung Quốc đề nghị mở lại các cuộc thảo luận về vấn đề biên giới. Tổng Bí thư Brezhnev đã đẩy mạnh nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong một tuyên bố quan trọng ở Tashkent ngày 24/3/1982.

Tháng 5, một bài bình luận dài trên tờ Pravda tuyên bố đã đến lúc cải thiện các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ Xô – Trung được mong đợi từ lâu.

Giới lãnh đạo Trung Quốc khi đó cũng công khai cách tiếp cận mới đối với Liên Xô tại một cuộc Đại hội Đảng đầu tháng 9, khi thông báo nối lại các cuộc đàm phán cấp cao thường kỳ.

Tháng 7, Việt Nam thông báo ý định rút quân một phần khỏi Campuchia.

Thái Lan đã đề xuất các hiệp ước không gây hấn với từng nước trong ba nước Đông Dương, cũng như thiết lập một “vùng an toàn” dọc biên giới với Campuchia do các lực lượng của Thái Lan và Campuchia cùng kiểm soát. Thái Lan cũng đề xuất “bước hai” hướng đến hòa bình. Cuộc rút quân của Việt Nam khỏi Campuchia đã diễn ra vào tháng 7.

Tháng 9/1982, lần đầu tiên Việt Nam gợi ý một thỏa thuận ngừng bắn nhân ngày quốc khánh của từng nước.

Tháng 10/1982, Việt Nam cho biết sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc về bình thường hóa quan hệ “ở bất cứ cấp độ nào, ở bất cứ địa điểm nào và càng sớm càng tốt”.

Cũng trong tháng 10, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch bí mật gồm 5 điểm nhằm giải quyết vấn đề Campuchia. Liên Xô ban đầu phản đối sáng kiến này, gợi ý thay vào đó rằng Trung Quốc nên tiếp xúc trực tiếp với Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Liên Xô, hy vọng một phản ứng tích cực trước thềm hoặc trong khi diễn ra vòng đàm phán về bình thường hóa quan hệ tiếp theo dự kiến vào tháng 3/1983 ở Moscow.

Ngày 16/4, viện dẫn “các cuộc tấn công không tương xứng”, pháo binh Trung Quốc lại mở cuộc tấn công 4 ngày sang biên giới Việt Nam, tạo ra một “đợt thủy triều thù địch cao nhất” kể từ các vụ đụng độ tháng 5/1981.

Cũng như các vụ đụng độ quân sự lớn trước đó, các nhà quan sát ngoại giao đã nhanh chóng chỉ ra rằng các hành động quân sự của Trung Quốc chẳng liên quan nhiều đến tình hình quân sự tại biên giới với Việt Nam, mà liên quan nhiều hơn đến tình hình tại Campuchia.

Các sự kiện tháng 4/1983 đã được nhà báo Đông Dương Nayan Chanda gọi là “cuộc phòng vệ mang tính biểu tượng”. Chanda cũng dẫn lời các nhà phân tích quân sự phương Tây khi viết: “Người Trung Quốc dường như không có ý định tấn công mục tiêu nào cụ thể. Mục đích chỉ thuần túy là ghi điểm chính trị”.

Sau cuộc xung đột trên, cả Việt Nam và Trung Quốc đã quay lại bàn đối thoại.

Tháng 10, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chấp nhận lời mời của người đồng cấp Trung Quốc tham dự một buổi chiêu đãi chính thức tại Liên hợp quốc nhân kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc.

Vụ chiếm đất đai tại huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên tháng 4/1984

Sự yên tĩnh bị phá vỡ vào tháng 4/1984 khi pháo binh Trung Quốc lại dội như mưa sang Việt Nam. Đây là cuộc tấn công lớn nhất kể từ năm 1979.

Theo sau đó là một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc tại nhiều quả đồi của Việt Nam tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên.

Việt Nam gọi cuộc cuộc nã pháo này là một “cuộc chiến phá hoại”. Cuộc chiến do Trung Quốc khơi mào giờ đã trở thành “cuộc bành trướng lãnh thổ”.

Trong thời gian từ 2-27/4, hơn 60.000 quả pháo được cho là đã bắn sang 16 huyện biên giới. Quân đội Trung Quốc sau đó phát động các cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam ở tỉnh Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hoàng Liên Sơn. Một đại chiến sự đã diễn ra ở đồi 636 và 820 ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn ngày 6/4.

Ngày 28/4, hơn 500 quả pháo đã tiếp tục được bắn sang nhiều địa điểm ở Việt Nam. Bộ binh Trung Quốc, gồm 3 trung đoàn thuộc lữ đoàn số 40 đã tấn công và chiếm 3 cao điểm ở Hà Tuyên. Cuộc tấn công này được báo chí gọi là “cuộc xâm phạm nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ năm 1979”. Một tài liệu sau này nói rằng các lực lượng Trung Quốc cũng đã chiếm một cụm cao nguyên  (đồi 1250, 1509, 1030, 772 và 233) ở huyện Vị Xuyên và Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên.

Các báo cáo chính thức của Việt Nam trong thời gian từ 2/4-2/6, cho biết Việt Nam đã tiêu diệt một trung đoàn Trung Quốc = 9 tiểu đoàn và “vô hiệu hóa” 5.500 binh sĩ. Tháng 8, Việt Nam đã nâng con số này lên 7.500 trong vòng 4 tháng trước đó.

Ngày 13 và 16/4, Liên Xô đã cảnh báo Trung Quốc bằng cuộc tập trận trên biển đầu tiên với Việt Nam. Cuộc tập trận diễn ra dưới dạng một cuộc đổ bộ của hải quân Liên Xô gần cảng Hải Phòng.

Trung Quốc đáp lại bằng việc cử một đội tàu đi qua quần đảo Trường Sa. Về phần mình, họ cũng tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ trên đảo Hải Nam.

Ngày 5/5, cả tờ Pravda và Izvestia đều kêu gọi Trung Quốc chấp thuận đề nghị của Việt Nam tiến hành “các cuộc đàm phán nghiêm túc, với một quan điểm giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ song phương bằng các biện pháp hòa bình”.

Đầu tháng 7, Tân Hoa Xã thông báo “Trung Quốc không muốn lao vào một cuộc mạo hiểm quân sự có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch hiện đại hóa của mình”. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình trước thềm chuyến thăm Mỹ đã tuyên bố tình hình dọc biên giới Việt Nam khá yên bình.

Cuối tháng 6, có thông báo rằng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham sẽ thăm Moscow.

Giải thích về cuộc nã pháo sang Việt Nam tháng 4/1984 Giới chức Trung Quốc một lần nữa đổ lỗi cho Việt Nam. Nhưng cũng giống như các vụ trước, các nhà quan sát nước ngoài nhận định hành động này của Trung Quốc có liên quan tới vấn đề Campuchia.

Trung Quốc chọn mục tiêu của mình một cách kỹ lưỡng. Trung Quốc cố chứng tỏ rằng các mục tiêu của họ chỉ giới hạn ở việc buộc Việt Nam đi đến thỏa thuận về Campuchia. Trung Quốc cũng giành lợi thế đúng lúc Tổng thống Mỹ Reagan thăm Bắc Kinh tháng 4 để chứng tỏ sự quyết tâm của mình trong việc gây sức ép với Việt Nam. 

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979
Chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra vào ngày 17.2.1979.

Vụ nã pháo sang Vị Xuyên tháng 6/1985

Trong hầu như cả năm 1985 và những tháng đầu năm 1986, các tỉnh biên giới Việt Nam đã trở thành mục tiêu của nhiều đợt pháo kích tăng cường. Trong tháng 6, khi gần vào mùa khô năm 1984-1985, các lực lượng Trung Quốc đã phát động các cuộc tấn công đặc biệt mạnh tay nhằm vào huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên.

Các đơn vị biên phòng Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng chiến thuật “chiếm đất”. Từ tháng 5/1985, họ đã bắt đầu thả mìn nhựa vào các con sông chảy xuống Việt Nam. Cuối năm 1986, Việt Nam đã ghi nhận 100 vụ nổ mìn ở nhiều tỉnh khác nhau, làm 30 người thiệt mạng và 60 người bị thương.

Nhiều tài liệu của Việt Nam cho biết hơn 1 triệu quả đạn súng cối đã được bắn vào một khu vực rộng 10km2 của huyện này riêng trong năm 1985. 100 quả đồi chiến lược (như 233, 300, 400, 468, 500, 673, 685, 812, 900, 1100, 1509, đồi Quan Sát và đồi Co Ich), nhất là quanh khu vực giao lộ Thanh Thủy, đã trở thành mục tiêu của liên tiếp các vụ bắn phá và tấn công trên bộ. Trong giai đoạn từ ngày 27/5 – 13/6, các lực lượng của Trung Quốc đã bắn 226.900 quả pháo xuống Vị Xuyên.

Từ ngày 1-7/6, các lực lượng của Trung Quốc đã tiến hành 6 vụ tấn công lên đồi 400 và 1509. Một báo cáo trong nửa đầu năm cho thấy Trung Quốc đã cử hơn 60 trung đội đến trung đoàn tiến hành các vụ tấn công vào nhiều địa điểm ở Việt Nam.

Một tài liệu đánh giá hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 1985 cho biết Trung Quốc đã chọn huyện Vị Xuyên là một mục tiêu “trả đũa”, nhằm đáp lại cuộc tấn công thành công của Việt Nam tại biên giới Thái Lan – Campuchia.

Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam trong buổi phát ngày 26/12/1985 đã điểm lại các sự kiện trong năm đó, nhấn mạnh vấn đề như sau: “Trung Quốc tiếp tục một cuộc chiến tranh chiếm đất ở biên giới chống Việt Nam một cách tàn bạo, đặc biệt là khu vực biên giới của huyện Vị Xuyên, Hà Tuyên. Có thể nói chưa bao giờ ngừng tiếng pháo cối của Trung Quốc tại đây kể từ năm 1984. Các cuộc nã pháo tàn bạo và các chiến thuật tác chiến mới được sử dụng trong việc chiếm các quả đồi của chúng ta”.

Trong 4 ngày, từ 5-8/9, gần 60.000 pháo hạng nặng đã dội sang Vị Xuyên.

Bất chấp vụ bắn pháo tháng 6, sự cải thiện quan hệ Việt – Trung đã được ghi nhận trong quý IV/1985. Ngày 1/9, Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm đã gửi thư chúc mừng người đồng cấp Trường Chinh nhân dịp Quốc khánh thứ 40 của Việt Nam. Sau khi ghi nhận “quan hệ truyền thống lâu đời” giữa Trung Quốc và Việt Nam, ông Lý nói về vấn đề bình thường hóa.

Nhưng ngay sau đó, một đợt giao tranh ngắn trong tuần đầu tháng 12, khi các lực lượng Trung Quốc một lần nữa được cho là đã tham gia hoạt động “chiếm đất” ở Vị Xuyên. Việt Nam cáo buộc Trung Quốc bắn hơn 60.000 quả pháo xuống tỉnh Hà Tuyên, trong đó 34.900 quả được bắn riêng trong ngày 2/12. Cùng lúc đó, Việt Nam thông báo đánh bại 5 vụ tấn công trên bộ tại đồi 685 ở Hà Tuyên, tiêu diệt 470 lính Trung Quốc.

Tân Hoa Xã trong một bài xã luận đã kết nối tình hình chiến sự tăng cường ở biên giới với một cuộc tập trung lực lượng Việt Nam tại Campuchia chuẩn bị cho một chiến dịch mùa khô khác.

Các cuộc nã pháo tháng 12/1986 - 1/1987

Trong suốt năm 1986, Trung Quốc duy trì sức ép với Việt Nam bằng việc tăng cường nã pháo. Đến giữa năm, gần 25.000 quả pháo đã được bắn sang lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1985, Vị Xuyên hứng chịu 20 sự cố bắn pháo riêng rẽ, liên quan đến hơn 800.000 quả pháo, trong tổng số khoảng 1 triệu quả được bắn sang Việt Nam.

Giữa năm 1986, Việt Nam cho biết 4/5 đạn pháo của Trung Quốc đã được bắn và rơi vào Vị Xuyên. Ngày 14/10/1986, làng Thanh Thủy ở Vị Xuyên đã “hứng” 35.000 quả pháo. Vụ bắn phá lớn nhất xảy ra tháng 1/1987, khi trong một ngày, pháo binh Trung Quốc bắn tới 60.000 quả pháo vào Vị Xuyên.

Các báo cáo cho thấy giao tranh trên bộ giảm dần từ tháng 7/1986. Tháng 10, tại vòng đàm phán Xô – Trung lần thứ 9, Trung Quốc cuối cùng đã được Liên Xô nhất trí thảo luận vấn đề Campuchia, vấn đề “nước thứ ba” vốn là một điều cấm kỵ trước tới nay.

Ngày 13/7, Việt Nam đã thả 72 thuyền nhân Trung Quốc từng xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Ngày 1/8, Hội Chữ thập Đỏ tại Lạng Sơn đã gửi “chia buồn” tới người dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sau một trận bão. Ngày 13/8, Việt Nam thông báo nhân dịp Quốc khánh của Trung Quốc và Việt Nam, sẽ thả 27 tù nhân Trung Quốc. Những trao đổi đã được tiến hành ngày 6/9, khi Trung Quốc thả 34 người Việt Nam và Việt Nam thả 26 người Trung Quốc.

Ngày 3/10, một đội bóng bàn của Việt Nam đã sang Trung Quốc tham dự giải bóng bàn châu Á lần thứ 8 ở tỉnh Quảng Đông. Và ở các cấp cao hơn, cụm từ “kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp” khi nói về Trung Quốc đã không còn được nhắc lại.

Bất chấp các diễn biến tích cực trên, giao tranh vẫn tái diễn ở biên giới Việt – Trung. Ngày 14/10, Việt Nam thông báo rằng Trung Quốc đã bắn 35.000 quả pháo sang Việt Nam và các lực lượng Trung Quốc đã nối lại “các chiến thuật chiếm đất” ở đây.

Ngày 27/11, báo Nhân Dân của Việt Nam đăng một bài xã luận dài về quan hệ Việt Trung, trong đó viết: “Mới đây, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhắc lại sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc nối lại các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc bất cứ ở đâu, vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ cấp nào, nhằm tìm một giải pháp chính trị được hai bên chấp nhận, nhằm khôi phục sớm nhất các quan hệ bình thường giữa hai nước cũng như tình bằng hữu lâu năm giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, thiện chí trên chỉ có một chiều.

Về phần mình, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đáp lại bằng hàng trăm nghìn quả pháo và ra lệnh một loạt vụ tấn công quân sự vào huyện Vị Xuyên… Chúng tôi một lần nữa tái khẳng định rằng luôn quý trọng tình bằng hữu lâu năm với nhân dân Trung Quốc và muốn khôi phục quan hệ thân thiện và bình thường giữa hai nước vì lợi ích của hòa bình và ổn định tại châu Á, và của hai dân tộc”.

Bốn mươi năm đã trôi qua, xung đột biên giới Việt-Trung vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải mật. Nhưng ngày càng nhiều chuyên gia phân tích độc lập chứng minh rằng, Trung Quốc khơi ra cuộc xung đột biên giới 1979 nhằm các tham vọng chính trị xa xôi, có cả vấn đề Campuchia tại thời điểm đó.

Diệu An tổng hợp

(Bài viết có sử dụng tư liệu Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War của học giả Carlyle Thayer. Ông đã trình bày nghiên cứu này tại Hội Nghị "An Ninh và Kiểm Soát Vũ Khí tại Bắc Thái Bình Dương", Đại học Quốc gia Canberra tháng Tám năm 1987)


Nguồn bài viết: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cuoc-chien-chong-quan-xam-luoc-thang-2-nam-1979-507107.html

Được tạo bởi Blogger.